Buổi
trưa ở lại trường cô Hiệu trưởng trường tôi thường dành thời gian ăn
trưa để chuyện trò cùng các học sinh bán trú và các cán bộ công nhân
viên trong trường. Có lẽ vì thế mà cô thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của
từng thành viên trong trường, luôn kịp thời phát hiện những tồn tại để
nhắc nhở cũng như những ưu điểm để tuyên dương. Việc phát hiện ra những
cuốn sổ đặc biệt này cũng giống như bao nhiêu những phát hiện thú vị
khác của cô…
Cuốn sổ ghi chép đồ thất lạc của các cô Tổ Lao công,
cùng chiếc điện thoại các cô vừa nhặt được
Những
cuốn sổ được gọi là đặc biệt bởi ý nghĩa lớn lao của nó, đã là chứng
nhân cho bao nhiêu việc tốt và giúp chúng tôi tin vào lòng tốt trên đời.
Trên những trang giấy trắng là những dòng chữ cẩn thận ghi chép về
những món đồ mà các cô lao công đã nhặt được ở các lớp học khi quét dọn
sau giờ học và chữ kí của các bạn học sinh và cán bộ giáo viên khi nhận
lại đồ. Những thông tin như đồ thất lạc, đặc điểm, nơi tìm thấy, người
tìm thấy... đều được lưu lại rất chi tiết. Gây xúc động là những dòng chữ chan chứa niềm hạnh phúc của các bạn học sinh khi được trả lại món đồ yêu quý của mình…
Khi
được hỏi về những kỉ niệm đáng nhớ về những lần trả lại đồ để quên -
mang đến niềm vui cho các bạn học sinh, mỗi cô đều có những câu chuyện
riêng…
Các cô trong Tổ lao công chia sẻ những câu chuyện trả lại đồ thất lạc
Cô
Yên kể về lần “nhặt được của rơi trả người đánh mất” gần đây nhất, đó
là một buổi làm ca tối cô nhặt được một chiếc ví ở lớp 12D2. Khi một bạn
hớt hải quay lại trường tìm, cô đã vui vẻ trả lại và từ chối lời đề
nghị “Cô ơi, con biếu cô 50 nghìn, con cám ơn cô lắm!”. Cô Yên cười thật tươi khi kể về việc tốt của mình khiến chúng tôi cũng thấy vui lây.
Với
cô Hồng - Tổ trưởng Tổ lao công, thì câu chuyện mà cô nhớ nhất đã diễn
ra từ cách đây hơn một năm. Hôm ấy một cô trong Tổ lao công nhặt được
một chiếc điện thoại cảm ứng màu trắng rất đẹp, đã đem trả lại người mất
và nhận lại những lời cảm ơn rối rít. Trước câu hỏi quan tâm của cô “Nhận lại đồ cháu có vui không?”, bạn ấy đáp: “Cháu vui lắm, thế các cô có thích gì không ạ?”. Cô chỉ cười đùa: “Nếu cháu thích cảm ơn các cô, thì mang túi bim bim cho cả tổ liên hoan là tốt rồi”. Bạn ấy cười thật tươi và ngày hôm sau mang đến tặng cả tổ lao công một túi bim bim to.
Cô Vân nhớ lại một lần nhặt được một chiếc điện thoại, khi cô trả cho bạn học sinh bị mất, bạn cứ ôm cô cảm ơn ríu rít. “Ôm chặt như thế này này. Mà là con trai nhé! Cảm động, quá cảm động!”- cô vừa diễn tả lại động tác vừa nói.
Trước câu hỏi đầy cảm phục của tôi “các cô có thể cho con biết, động lực nào để các cô làm một công việc tận tâm như vậy được không?”, cô Hồng đã thay mặt cả Tổ trả lời thật đơn giản “Vì
những đồ dùng của các con rất quan trọng. Và cũng là tấm lòng chân
thành của các cô, là sự ý thức về tính trung thực, thật thà, không được
gian dối. Khi trả đồ cho các con, các cô cảm thấy rất vui và thanh thản
lương tâm”
Tôi
nhận ra cho mình thật nhiều điều từ những cuốn sổ, từ những câu chuyện
của các cô. Mặc dù cuộc sống của các cô còn nhiều khó khăn và vất vả
nhưng có những giá trị, có những phẩm chất không hề bị mai một bởi sự
tác động của hoàn cảnh…
Nơi nghỉ ngơi của các cô lao công
Các cô đều đã làm việc ở trường lâu năm, như cô Hồng cũng đã gắn bó với trường Nguyễn Tất Thành 9
năm rồi. Ngoài cô Hồng là Tổ trưởng làm việc theo giờ hành chính, còn
lại các cô đều làm theo ca. Ca sáng bắt đầu từ 6h đến 14h, ca trưa từ
13h đến 20h30. Nếu làm ca sáng thường phải đi từ sớm, còn nếu làm ca
chiều thì lại về rất muộn. Cô Duyên nhà xa ở tận Phúc Thọ, thời gian đi
về thường kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, nên tối nào cũng gần 22h mới về
tới nhà. Đã thế, “ngoài giờ làm ở trường, cô vẫn đi cấy, vẫn tra ngô, vẫn trồng đót” - cô kể về những công việc chồng chất của mình mà vẫn nở nụ cười nhẹ bẫng…
Nhiệm
vụ quan trọng nhất của các cô là giữ cho trường lớp thật sạch đẹp. Quy
trình làm việc của các cô thường bắt đầu từ việc quét dọn sân trường bởi
đây là cảnh quan quan trọng. Rồi các cô lên tầng, lau dọn các hành
lang, cầu thang, lau cửa lớp, và dọn nhà vệ sinh. Hết giờ học các cô mới
vào lớp học quét dọn để buổi học sau được sạch sẽ. Bây giờ tôi mới thấm
thía rằng để được hưởng thụ một môi trường học tập sạch đẹp là nhờ bao
công sức mồ hôi của các cô lao công hàng ngày lặng lẽ cống hiến.
Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh thân tình bên Tổ Lao công
Buổi
trò chuyện của chúng tôi với các cô lao công đáng mến kết thúc trong
tiếng trống trường giòn giã báo hiệu giờ vào lớp. Trong dòng suy tưởng
miên man về những con người bình dị mà đẹp đẽ xung quanh mình, tôi vẫn
như nghe tiếng của cô Thu Anh văng vẳng: “Cô biết cuộc sống của các cô lao công trường mình vẫn còn rất khó khăn, vất vả vì vậy hành động trả lại rất nhiều tiền, điện thoại và đồ dùng của học sinh bị mất của các cô thật đáng cảm phục, họ xứng đáng được tri ân con ạ!”.
Tôi mong các NTTers hãy thể hiện sự trân trọng tới thành quả lao động
và tấm lòng của các cô. Chỉ đơn giản bằng lời chào, nụ cười, và thiết
thực nhất: Hãy giữ gìn ngôi trường Nguyễn Tất Thành thật sạch đẹp!
Tác giả: Nghiêm Văn Khánh- lớp 11D2 (CLB Phóng viên)